Phiếu đăng ký dự tuyển viên chức là một văn bản được cá nhân gửi đến cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền tổ chức kỳ thi tuyển viên chức. Văn bản này thường yêu cầu có đầy đủ thông tin, bao gồm quá trình học tập, kinh nghiệm làm việc và thông tin khác liên quan của cá nhân tham gia quá trình tuyển chọn viên chức.. Vai trò của phiếu đăng ký dự tuyển viên chức giúp tổ chức tuyển dụng có cái nhìn tổng quan về ứng viên và đánh giá khả năng, kỹ năng cũng như sự phù hợp với vị trí công việc cụ thể. Đồng thời, phiếu đăng ký cũng là tài liệu căn bản để thực hiện các bước tiếp theo trong quá trình tuyển dụng, bao gồm phỏng vấn, kiểm tra thực tế, và đánh giá.
Vậy “Cách điền phiếu đăng ký dự tuyển viên chức” như thế nào? Hãy cùng Tìm luật tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé! Hy vọng bài viết này sẽ thực sự mang lại cho bạn những kiến thức hữu ích nhất để bạn có thể vận dụng vào cuộc sống.

Tải mẫu phiếu đăng ký dự tuyển viên chức mới nhất
Hướng dẫn cách điền phiếu đăng ký dự tuyển viên chức mới nhất
Dưới đây là mẫu điền phiếu đăng ký dự tuyển viên chức mới nhất, theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc:
(1) Mục Vị trí dự tuyển: Ghi đúng tên vị trí theo chức danh nghề nghiệp đăng ký dự tuyển.
(2) Mục đơn vị dự tuyển: Ghi tên cơ quan, tổ chức đăng ký dự tuyển.
I. Thông tin cá nhân:
(1) Họ và tên: Ghi đúng họ, chữ đệm và tên như trong giấy khai sinh bằng chữ in hoa. Ví dụ: NGUYỄN VĂN C.
(2) Ngày, tháng, năm sinh: Ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh ghi trong giấy khai sinh. Ví dụ: 01/02/1991.
(3) Nam/Nữ: Người viết phiếu tích dấu X vào ô tương ứng ô Nam/Nữ.
(4) Dân tộc: Ghi theo giấy khai sinh. Ví dụ: Kinh, Hoa, Chăm, Mường
(5) Số CMND hoặc CCCD, ngày cấp, nơi cấp: Ghi đúng và đầy đủ thông tin được cấp trên CMND hoặc thẻ CCCD.
(6) Số điện thoại di động để báo tin: Ghi rõ, đầy đủ số điện thoại liên hệ và số điện thoại này đơn vị phải liên lạc được khi cần thiết và địa chỉ email nếu có.
(7) Quê quán: Ghi rõ 3 cấp Phường/Xã/Thị trấn, Quận/Huyện, Tỉnh/Thành phố.
(8) Hộ khẩu thường trú: Ghi chính xác, đầy đủ thông tin.
(9) Chỗ ở hiện nay (để báo tin): Ghi chính xác, đầy đủ địa chỉ đang ở để liên lạc khi cần gửi thông báo kết quả điểm tuyển dụng và kết quả trúng tuyển viên chức.
(10) Tình trạng sức khỏe, chiều cao, cân nặng: Căn cứ theo kết luận của Giấy chứng nhận sức khỏe còn giá trị sử dụng.
(11) Thành phần bản thân hiện nay: Ghi rõ: sinh viên mới tốt nghiệp, viên chức hoặc lao động hợp đồng hoặc chưa có việc làm.
(12) Trình độ văn hóa: Ghi rõ 12/12 chính quy hoặc 12/12 bổ túc văn hóa.
(13) Trình độ chuyên môn: Khai theo văn bằng chuyên môn phù hợp với vị trí dự tuyển. Ghi đầy đủ, chính xác theo văn bằng chuyên môn cao nhất được cấp.
(14) Loại hình đào tạo của văn bằng chuyên môn tại mục: Ghi đầy đủ, chính xác theo văn bằng chuyên môn cao nhất được cấp. Ví dụ: Chính quy, tại chức,…
II. Thông tin cơ bản về gia đình:
Ghi đầy đủ, chính xác thông tin họ tên, ngày tháng năm sinh, Quê quán, nghề nghiệp, chức danh, chức vụ, đơn vị công tác của cha, mẹ, anh, chị, em và con.
III. Thông tin về quá trình đào tạo:
(1) Ghi đầy đủ, chính xác tất cả văn bằng chuyên môn, chứng chỉ đào tạo chuyên ngành có liên quan đến yêu cầu của vị trí việc làm, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã được cấp.
Đối với thí sinh có nhiều bằng chuyên môn thì phải ghi đầy đủ tất cả các thông tin có liên quan đến các văn bằng trên theo thứ tự quá trình học từ thấp đến cao.
(2) Tên trường, cơ sở đào tạo cấp: Ghi đầy đủ, chính xác theo văn bằng chuyên môn, chứng chỉ được cấp.
(3) Trình độ văn bằng, chứng chỉ:
– Đối với văn bằng: Ghi đầy đủ, chính xác theo văn bằng chuyên môn được cấp.
– Đối với chứng chỉ: Ghi đầy đủ, chính xác theo chứng chỉ đào tạo chuyên ngành (nếu có), chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã được cấp.
(4) Ghi rõ chuyên ngành đào tạo (theo bảng điểm).
(5) Ghi rõ ngành đào tạo (theo bằng tốt nghiệp).
(6) Hình thức đào tạo: Ghi rõ: Chính quy, tại chức,…
IV. Thông tin quá trình công tác (nếu có):
Ghi quá trình công tác có liên quan đến vị trí dự tuyển đến nay.
V. Miễn thi ngoại ngữ, tin học:
Bỏ trống nếu tham dự xét tuyển
VI. Đăng ký dự thi môn ngoại ngữ:
Bỏ trống nếu tham dự xét tuyển
VII. Đối tượng ưu tiên:
Ghi rõ có thuộc đối tượng ưu tiên theo Điều 6 Nghị định 115/2020/NĐ-CP như sau:
– Đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển:
+ Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: Được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;
+ Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị;
Con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: Được cộng 5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;
+ Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong: Được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
– Trường hợp người dự thi tuyển hoặc dự xét tuyển thuộc nhiều diện ưu tiên quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm vòng 2.
Vấn đề “Hướng dẫn cách điền phiếu đăng ký dự tuyển viên chức mới nhất” đã được chúng tôi cung cấp qua thông tin bài viết trên. Quý khách hàng có vướng mắc hoặc nhu cầu tìm hiểu về vấn đề pháp lý liên quan như là mẫu đơn xin nghỉ việc 1 ngày… Chúng tôi sẽ giải quyết các khúc mắc của khách hàng, làm các dịch vụ một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện.
Câu hỏi thường gặp
Hồ sơ thi viên chức bao gồm những gì?
Bộ hồ sơ thi viên chức được chia ra làm hai trường hợp là bộ hồ sơ đối với đối tượng thi viên chức lần đầu và đối tượng viên chức đang công tác.
– Đối với đối tượng thi viên chức lần đầu, bộ hồ sơ bao gồm:
+ Quyển lý lịch viên chức mẫu HS01-VC/BNV ban hành kèm theo Thông tư 07/2019/TT-BNV.
+ Sơ yếu lý lịch viên chức mẫu HS02-VC/BNV ban hành kèm theo Thông tư số 07/2019/TT-BNV.
+ Giấy khai sinh bản sao công chứng, chứng thực.
+ Phiếu lý lịch tư pháp của cơ quan có thẩm quyền
+ Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên cấp còn giá trị sử dụng (giá trị sử dụng trong vòng 6 tháng)
+ Bản sao chứng thực các loại giấy tờ có liên quan đến trình độ đào tạo, bồi dưỡng của viên chức như: bảng điểm, văn bằng, chứng chỉ về trình độ đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng nghiệp vụ do cơ quan có thẩm quyền cấp. Trường hợp các văn bằng, chứng chỉ đào tạo do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp ngoài lãnh thổ Việt Nam thì phải được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận;
+ Bản sao các quyết định tuyển dụng hoặc xét tuyển, tiếp nhận viên chức có công chứng của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
– Đối với các đối tượng thi đã là viên chức:
+ Hồ sơ gốc như viên chức tuyển dụng lần đầu.
+ Phiếu bổ sung lý lịch viên chức
+ Bản sao các quyết định về việc xét chuyển, bổ nhiệm, biệt phái, điều động, luân chuyển, thăng hạng, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật của viên chức.
+ Bản tự kiểm điểm, tự nhận xét, đánh giá hàng năm của viên chức có xác nhận của đơn vị sử dụng viên chức;
+ Bản kê khai tài sản, bản kê khai tài sản bổ sung đối với đối tượng viên chức bắt buộc kê khai tài sản theo quy định của pháp luật; Đơn, thư kèm theo các văn bản thẩm tra, xác minh, biên bản, kết luận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến viên chức và gia đình viên chức được phản ánh trong đơn, thư. Không lưu trong thành phần hồ sơ những đơn, thư nặc danh, hoặc đơn, thư chưa được xem xét, kết luận của cơ quan có thẩm quyền;
+ Văn bản khác có liên quan trực tiếp đến quá trình công tác và các quan hệ xã hội của viên chức;
+ Viên chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải bổ sung đầy đủ các tài liệu có liên quan đến việc bổ nhiệm vào hồ sơ viên chức.
Những việc viên chức không được phép làm theo quy định pháp luật
Theo quy định tại Điều 19 Luật Viên chức 2010 đã nêu rõ những hành vi, việc làm mà viên chức không được làm như sau:
Điều 19. Những việc viên chức không được làm
1. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.
2. Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật.
3. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
4. Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội.
5. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
6. Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.