Cựu chiến binh được hưởng chế độ gì theo quy định mới nhất?

57

Nhà nước thực hiện chính sách chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho Cựu chiến binh, nhằm ghi nhận và tri ân những đóng góp, hy sinh của họ. Theo quy định tại Thông tư 03/2020/TT-BLĐTBXH, cựu chiến binh sẽ được hưởng 03 chế độ. Vậy Cựu chiến binh được hưởng chế độ gì theo quy định mới nhất? Hãy cùng Tìm Luật tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé! Hy vọng bài viết này sẽ thực sự mang lại cho bạn những kiến thức hữu ích nhất để bạn có thể vận dụng vào trong cuộc sống.

Căn cứ pháp lý

Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Nghị định 150/2006/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 157/2016/NĐ-CP)

Nghị định 146/2018/NĐ-CP

Thông tư 03/2020/TT-BLĐTBXH

Thông tư 25/2016/TT-BLĐTBXH

Đối tượng nào được công nhận là Cựu chiến binh?

Cựu chiến binh là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã tham gia đơn vị vũ trang chiến đấu chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã nghỉ hưu, chuyển ngành, phục viên, xuất ngũ,

Theo Điều 2 Nghị định 150/2006/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 157/2016/NĐ-CP) quy định về đối tượng được công nhận là Cựu chiến binh, cụ thể như sau:

“1. Cán bộ, chiến sĩ quy định tại khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh Cựu chiến binh đã tham gia các đơn vị vũ trang do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức trước cách mạng Tháng 8 năm 1945 như Đội tự vệ đỏ, du kích Ba Tơ, du kích Bắc Sơn, Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và các đơn vị vũ trang khác do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo.

2. Cán bộ, chiến sĩ quy định tại khoản 2 Điều 2 Pháp lệnh Cựu chiến binh gồm sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân Việt Nam thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, biệt động đã tham gia kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước (ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng).

3. Cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc quy định tại khoản 3 Điều 2 Pháp lệnh Cựu chiến binh gồm:

a) Đội viên đội công tác vũ trang trong vùng địch tạm chiếm ở miền Bắc từ ngày 20 tháng 7 năm 1954 về trước (ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương);

b) Cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ, du kích tập trung ở miền Bắc từ ngày 27 tháng 01 năm 1973 trở về trước (ngày ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc);

c) Cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ, du kích tập trung ở miền Nam từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước.

4. Công nhân viên quốc phòng quy định tại khoản 4 Điều 2 Pháp lệnh Cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống ngoại xâm từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 về trước.

5. Cán bộ, chiến sĩ quy định tại khoản 5 Điều 2 Pháp lệnh Cựu chiến binh gồm:

a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên quốc phòng thuộc quân đội nhân dân Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ đã tham gia chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế, trực tiếp phục vụ chiến đấu trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc đã phục viên, nghỉ hưu, chuyển ngành.

6. Những đối tượng quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Cựu chiến binh và được cụ thể tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 2 của Nghị định này không được công nhận là Cựu chiến binh trong các trường hợp sau:

a) Người đầu hàng địch; phản bội; người vi phạm kỷ luật bị tước danh hiệu quân nhân; công nhân viên quốc phòng bị kỷ luật buộc thôi việc;

b) Người bị kết án tù mà chưa được xóa án tích.”

Cựu chiến binh được hưởng chế độ gì theo quy định mới nhất?

Toàn bộ chế độ, chính sách đối với Cựu chiến binh 

Nhà nước đã đưa ra chế độ, chính sách chú trọng đến chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho Cựu chiến binh. Theo đó, Cựu chiến binh sẽ được áp dụng 03 chế độ theo quy định tại Thông tư 03/2020/TT-BLĐTBXH.

Chế độ bảo hiểm y tế

Chế độ bảo hiểm y tế đối với Cựu chiến binh quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 157/2016/NĐ-CP như sau:

– Chế độ bảo hiểm y tế đối với Cựu chiến binh thực hiện theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

– Trình tự xác định, quản lý và cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với Cựu chiến binh thực hiện tương tự như đối với người có công với cách mạng theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 25/2016/TT-BLĐTBXH.

Chế độ mai táng

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 1 Nghị định 157/2016/NĐ-CP, Cựu chiến binh khi từ trần được hưởng chế độ mai táng phí. Theo đó, Khoản 3 Thông tư số 03/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cụ thể như sau: 

– Cựu chiến binh khi từ trần, nếu không thuộc đối tượng hưởng chế độ mai táng phí theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng và Luật Bảo hiểm xã hội thì người tổ chức mai táng được hưởng mai táng phí bằng mức trợ cấp mai táng theo quy định; 

– Hồ sơ, thủ tục xét hưởng chế độ mai táng của Cựu chiến binh từ trần thực hiện như với người có công với Cách mạng. 

Để được nhận trợ cấp, người tổ chức mai táng cho Cựu chiến binh chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 39 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH, gồm:

– Bản khai của người tổ chức mai táng;

– Giấy chứng tử;

– Hồ sơ của Cựu chiến binh;

– Quyết định trợ cấp và giải quyết mai táng phí.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ trên, người tổ chức mai táng lập bản khai kèm bản sao Giấy chứng tử gửi đến Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã.

Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Phòng này sẽ tiến hành kiểm tra, lập phiếu báo giảm và tổng hợp danh sách để gửi đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Trong 10 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, Sở sẽ đối chiếu, ghép hồ sơ Cựu chiến binh đang quản lý với hồ sơ đề nghị hưởng mai táng phí và ra quyết định. Với việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người tổ chức mai táng Cựu chiến binh sẽ nhận được mai táng phí sau khoảng 25 ngày.

Chế độ trợ cấp khi thôi công tác Hội cựu chiến binh

Ngoài ra, Thông tư số 03/2020/TT-BLĐTBXH cũng quy định chi tiết về chế độ trợ cấp với người thôi công tác ở Hội cựu chiến binh. Theo đó, Cựu chiến binh đang nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, và trợ cấp ưu đãi người có công với Cách mạng sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng sau khi không còn công tác tại Hội Cựu chiến binh.

Số tiền trợ cấp cụ thể được nêu cụ thể như sau:

Với Cựu chiến binh công tác tại cơ quan Hội Cựu chiến binh từ Trung ương đến cấp huyện và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã

Mức trợ cấp = ½ x [Lương chức danh + phụ cấp chức vụ (nếu có) + 5% mức lương tái cử, tái bổ nhiệm (nếu có)] x số năm công tác

Với Cựu chiến binh là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã

Mức trợ cấp = ½ x Phụ cấp hiện hưởng hàng tháng x Số năm công tác

Trong đó:

Số năm công tác là tổng thời gian khi có quyết định tham gia Hội đến khi có quyết định thôi công tác Hội cựu chiến binh. Nếu có thời gian tham gia đứt quãng thì được cộng dồn:

– Có tháng lẻ thì từ đủ 06 tháng trở lên được tính là 01 năm;

– Dưới 06 tháng thì được tính là ½ năm

Vấn đề Cựu chiến binh được hưởng chế độ gì theo quy định mới nhất? đã được Tìm luật giải đáp thắc mắc ở bên trên. Hy vọng bài viết có ích cho độc giả, chúng tôi với đội ngũ luật sư, luật gia và chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin pháp lý như tạm hoãn nghĩa vụ quân sự đại học Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe mọi thắc mắc của quý khách hàng.

Mời các bạn xem thêm bài viết

Quy định về tạm hoãn nghĩa vụ quân sự năm 2023

Điều kiện tạm hoãn nghĩa vụ quân sự 2023

Câu hỏi thường gặp

Quy định đóng hội phí cựu chiến binh như thế nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 71/2015/TT-BTC quy định về nguồn kinh phí và nguyên tắc sử dụng kinh phí như sau:
“Điều 3. Nguồn kinh phí và nguyên tắc sử dụng kinh phí
1. Nguồn kinh phí hoạt động của Hội Cựu chiến binh bao gồm:
a) Nguồn thu hội phí được để lại theo quy định trong Điều lệ hoạt động của Hội;
b) Nguồn viện trợ, tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước (nếu có);
c) Nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước hỗ trợ đối với Hội Cựu chiến binh trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động và đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước bảo đảm chi phí hoạt động (là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi phí thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước bảo đảm chi phí thường xuyên theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập) theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành;
d) Nguồn hỗ trợ từ các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức khác;
đ) Các nguồn thu khác (nếu có).
2. Kinh phí hoạt động của Hội Cựu chiến binh phải được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng theo tiêu chuẩn chế độ chi tiêu tài chính theo các quy định hiện hành, thực hiện chế độ báo cáo quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định của pháp luật.“

Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức hoạt động dựa trên nguyên tắc gì?

Theo Điều 9 Pháp lệnh Cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam 2005 quy định như sau:
“Điều 9. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam
1. Hội Cựu chiến binh Việt Nam được tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện.
2. Hội Cựu chiến binh Việt Nam hoạt động theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội.“
Theo đó, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức hoạt động dựa trên nguyên tắc:
– Hội Cựu chiến binh Việt Nam được tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện.
– Hội Cựu chiến binh Việt Nam hoạt động theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội.”

5/5 - (1 bình chọn)