Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bản án phúc thẩm là bản án được Tòa án cấp phúc thẩm đưa ra sau khi xem xét lại các kháng cáo, kháng nghị đối với bản án sơ thẩm. Khiếu nại bản án phúc thẩm dân sự là hành động yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét lại bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm trong một vụ án dân sự. Mục đích của khiếu nại là yêu cầu làm rõ hoặc sửa đổi, hủy bỏ bản án, quyết định mà đương sự cho là không đúng, không hợp lý hoặc có vi phạm pháp luật. Khi đó, nhiều người băn khoăn không biết liệu theo quy định hiện nay, “Khiếu nại bản án phúc thẩm dân sự như thế nào?”. Băn khoăn của quý độc giả sẽ được Tìm Luật giải đáp ngay sau đây nhé.
Khiếu nại bản án phúc thẩm dân sự như thế nào?
Khiếu nại bản án phúc thẩm là một bước quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan trong vụ án dân sự. Nếu bản án phúc thẩm không đúng, gây thiệt hại hoặc xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các đương sự, việc khiếu nại là cần thiết để sửa chữa sai sót, đảm bảo quyền lợi của họ được bảo vệ đầy đủ. Tuy nhiên, việc khiếu nại này chỉ được chấp nhận nếu có đủ căn cứ pháp lý và các điều kiện cần thiết.
Đối với trường hợp đương sự muốn làm đơn đề nghị Tòa án cấp có thẩm quyền xem xét lại bản án phúc thẩm (bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án) thì theo quy định pháp luật Tố tụng dân sự thì trường hợp này đương sự sẽ làm đơn đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị theo quy định để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Cụ thể, khoản 1 Điều 327 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định:
Phát hiện bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
2. Trường hợp Tòa án, Viện kiểm sát hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này.
3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 326 của Bộ luật này.
Theo đó thì trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Như vậy, đối với bản án phúc thẩm, sẽ có hiệu lực ngay khi Tòa tuyên án, trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Tòa tuyên án thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án đó.

Đơn đề nghị xem xét bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm gồm những nội dung gì?
Bản án phúc thẩm có thể mắc phải các sai lầm trong quá trình xét xử như việc áp dụng sai pháp luật, đánh giá chứng cứ không đúng, hoặc có vi phạm thủ tục tố tụng. Việc khiếu nại xem xét bản án phúc thẩm giúp phát hiện và khắc phục các sai sót này, đảm bảo tính chính xác và công bằng trong bản án. Việc khiếu nại bản án phúc thẩm cũng giúp sửa chữa các quyết định sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.
Theo Điều 328 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có quy định về đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm như sau:
Đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn đề nghị;
b) Tên, địa chỉ của người đề nghị;
c) Tên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm;
d) Lý do đề nghị, yêu cầu của người đề nghị;
đ) Người đề nghị là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người đề nghị là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức đề nghị là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.

2. Kèm theo đơn đề nghị, người đề nghị phải gửi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
3. Đơn đề nghị và tài liệu, chứng cứ được gửi cho người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này.
Đơn đề nghị xem xét bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm phải có các nội dung chính trên, kèm theo là bản án phúc thẩm, tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Ai có thẩm quyền kháng nghị bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm?
Kháng nghị bản án phúc thẩm là hành động yêu cầu cơ quan có thẩm quyền, xem xét lại bản án hoặc quyết định của Tòa án phúc thẩm trong vụ án dân sự, nếu bản án đó có vi phạm nghiêm trọng pháp luật, gây ảnh hưởng đến công lý hoặc quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự. Đây không phải là yêu cầu của các đương sự trong vụ án, mà là một biện pháp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm bảo vệ lợi ích công cộng và đảm bảo tính công bằng trong xét xử.
Theo Điều 331 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm như sau:
Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Theo đó tùy bản án phúc thẩm theo quy định trên mà Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao sẽ có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Thông tin liên hệ
Trên đây là bài viết giải đáp thắc mắc về vấn đề ”Khiếu nại bản án phúc thẩm dân sự như thế nào?”. Hy vọng bài viết có ích cho độc giả. Mọi thắc mắc, vướng mắc xin vui lòng gửi đến timluat để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Câu hỏi thường gặp
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là trong thời gian bao lâu?
Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Có được quyền kháng cáo khi không đồng ý với bản án Phúc thẩm?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 355 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Mặt khác, Khoản 2 Điều 27 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm có quy định:
“Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.”
Do đó, bản án phúc thẩm không thể bị kháng cáo mà chỉ có thể xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nếu có căn cứ theo Điều 371 và Điều 398 BLTTHS 2015.