Luật Cư trú năm 2020 số hiệu: 68/2020/QH14

176
Luật Cư trú năm 2020 số hiệu: 68/2020/QH14

Luật cư trú năm 2020 đã được Quốc hội nhất trí thông qua và luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2021. Luật cư trú 2020 đã có những quy định bổ sung liên quan đến cư trú ưu tiên trong việc quản lý cư trú thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp đơn giản hoá thủ tục hành chính cũng như sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho công dân đến làm thủ tục. Xin mời các bạn độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết của Tìm luật để hiểu và nắm rõ được những quy định về “Luật Cư trú” có thể giúp các bạn độc giả hiểu sâu hơn về pháp luật.

Tình trạng pháp lý

Số hiệu:68/2020/QH14Loại văn bản:Luật
Nơi ban hành:Quốc hộiNgười ký:Nguyễn Thị Kim Ngân
Ngày ban hành:13/11/2020Ngày hiệu lực:01/07/2021
Ngày công báo:23/12/2020Số công báo:Từ số 1179 đến số 1180
Tình trạng:Còn hiệu lực

Nội dung nổi bật

Phạm vi điều chỉnh

Quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.

Nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú

Luật Cư trú năm 2020 số hiệu: 68/2020/QH14
Luật Cư trú năm 2020 số hiệu: 68/2020/QH14

Luật Cư trú quy định 5 nguyên tắc sau: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; Bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội; và kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, những quyền cơ bản khác của người dân cũng như trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký cư trú phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà; việc quản lý cư trú phải bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả; Việc cập nhập thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú; Mọi hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký, quản lý cư trú phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng với quy định của pháp luật đã đề ra.

Những trường hợp công dân bị hạn chế quyền tự do cư trú

Theo như Luật Cư trú năm 2020 cũng đã quy định rất rõ những đối tượng bị hạn chế quyền tự do cư trú:

– Người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp tạm giữ, tạm giam; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt tù, cấm cư trú, quản chế hoặc cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;

– Người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

– Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng;

– Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ theo quy định của Luật này;

– Các trường hợp khác theo quy định của luật.

Những hành vi bị nghiêm cấm về cư trú

Luật Cư trú quy định các hành vi sau bị nghiêm cấm: Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú; Lạm dụng việc sử dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú làm điều kiện để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; Đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú; Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định của pháp luật; Thu, quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trái với quy định của pháp luật; Tự đặt ra thời hạn, thủ tục, giấy tờ, tài liệu, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch thông tin, sổ sách, hồ sơ về cư trú; Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ, tài liệu về cư trú trái với quy định của pháp luật; Lợi dụng việc thực hiện quyền tự do cư trú để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Làm giả giấy tờ, tài liệu, dữ liệu về cư trú; sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại giấy tờ, tài liệu về cư trú; Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú;Giải quyết cho đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú khi biết rõ người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó; Đồng ý cho người khác đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó; Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Quyền và nghĩa vụ của công dân về việc cư trú

Công dân có quyền: Lựa chọn, quyết định nơi cư trú của mình, đăng ký cư trú phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, thông tin về hộ gia đình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật; Được khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu; Được cơ quan đăng ký cư trú cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú khi có thay đổi hoặc khi có yêu cầu; Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền tự do cư trú của mình khi có yêu cầu; Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền tự do cư trú; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm trong Luật Cư trú đã đề ra theo quy định của pháp luật.

Công dân có nghĩa vụ: Thực hiện việc đăng ký cư trú theo quy định của Luật Cư trú này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, giấy tờ, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, giấy tờ, tài liệu đã cung cấp; Nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Thủ tục bắt buộc phải đăng ký thường trú: Theo Luật Cư trú đã quy định, người dân khiđăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ. Thời hạn trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật Cư trú trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.

Hủy bỏ đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú: Luật Cư trú quy định trường hợp cơ quan, người có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật Cư trú thì cơ quan đã thực hiện việc đăng ký hoặc thủ trưởng cấp trên trực tiếp của cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm ra quyết định hủy bỏ việc đăng ký đó. Cơ quan đã đăng ký cư trú có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người đăng ký và nêu rõ lý do.

 Kể từ ngày Luật Cư trú có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật Cư trú, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.

Cơ sở dữ liệu về cư trú

Luật Cư trú đã quy định cơ sở dữ liệu về cư trú như sau: Cơ sở dữ liệu về cư trú được xây dựng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về cư trú, là tài sản quốc gia do Bộ Công an thống nhất quản lý; Cơ sở dữ liệu về cư trú phải bảo đảm kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật, đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin.

Yêu cầu về việc thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng dữ liệu về cư trú

Luật Cư trú quy định việc thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng dữ liệu về cư trú phải đáp ứng các yêu cầu sau: Ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin về cư trú đầy đủ, nhanh chóng, chính xác; bảo đảm an toàn dữ liệu theo đúng nguyên tắc, định dạng hệ cơ sở dữ liệu; Bảo đảm an toàn các thiết bị lưu trữ thông tin, tài liệu về cư trú; Bảo vệ an ninh mạng, an ninh thông tin về cư trú trên mạng máy tính; bảo đảm an toàn thông tin, tài liệu lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; phòng, chống các hành vi tấn công, xâm nhập, đánh cắp thông tin, phá hoại hoặc làm hư hỏng dữ liệu về cư trú; Mọi sự truy nhập đến Cơ sở dữ liệu về cư trú để thay đổi thông tin về cư trú của công dân phải được sự phê duyệt của thủ trưởng cơ quan đăng ký cư trú hoặc cơ quan khác có thẩm quyền; Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, trao đổi, sao chép, in trái phép thông tin, tài liệu từ Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Tải xuống Luật Cư trú năm 2020

Thông tin bài viết

Vấn đề “Luật Cư trú” đã được Tìm luật giải đáp thắc mắc ở bên trên. Với hệ thống công ty Luật sư X chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý trên toàn quốc. Chúng tôi sẽ giải đáp mọi thắc mắc của quý khách hàng liên quan tới … Với đội ngũ luật sư, chuyên viên, chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi sẽ giúp quý khách giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí và ít đi lại. Chi tiết vui lòng liên hệ tới hotline: 0833.102.102

Câu hỏi thường gặp

Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình khi đăng ký thường trú cần những gì ?

Theo quy định tại Khoản 1 điều 21 Luật Cư trú 2020 thì ” Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này bao gồm:
a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp.

Người đi thuê nhà có thể dùng địa điểm thuê nhà để đăng ký thường trú được không ?

Theo quy định tại khoản 3 điều 21 Luật Cư trú 2020 thì công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;
b) Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2 sàn/người.

Cần phải có điều kiện gì để tách hộ khẩu?

Theo Luật Cư trú 2020, thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ .
Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.
Nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp sau đây:Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.
Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép; hoặc trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng.
Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại.
Chỗ ở bị tịch thu; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ.

5/5 - (1 bình chọn)