Quy định về chăn nuôi trong khu dân cư mới nhất 2023

1625
Quy định về chăn nuôi trong khu dân cư mới nhất 2023

Để đảm bảo hoạt động chăn nuôi diễn ra an toàn, hợp pháp và không gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người, pháp luật có những quy định cụ thể về chăn nuôi. Người tham gia vào hoạt động chăn nuôi cần phải tuân theo các quy định này. Ngoài ra, Luật chăn nuôi cũng cấm một số hành vi, trong đó có việc chăn nuôi các loài vật trong khu dân cư, nhằm đảm bảo an toàn và trật tự trong các khu vực cư trú. Việc này giúp cải thiện và đảm bảo môi trường sống của cộng đồng.

Vậy “Quy định về chăn nuôi trong khu dân cư mới nhất 2023″ có nội dung như thế nào? Hãy cùng Tìm Luật tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé! Hy vọng bài viết này sẽ thực sự mang lại cho bạn những kiến thức hữu ích nhất để bạn có thể vận dụng vào trong cuộc sống.

Căn cứ pháp lý

Luật Chăn nuôi 2018

Nghị định 14/2021/NĐ-CP

Quy định về chăn nuôi trong khu dân cư mới nhất 2023

Có được phép chăn nuôi trong khu dân cư không?

Hoạt động chăn nuôi không được phép thực hiện trong khu vực không được phép chăn nuôi của khu vực đô thị, thị trấn, hoặc khu dân cư của thành phố, thị xã, thị trấn; đây là một hành vi bị nghiêm cấm. Ngoại trừ trường hợp nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm; mà không gây ô nhiễm môi trường. Những quy định như vậy nhằm đảm bảo việc chăn nuôi không gây ra sự phiền hại hoặc ô nhiễm môi trường trong các khu vực cư trú, đồng thời giữ cho môi trường sống của cộng đồng an toàn và trong sạch.

Căn cứ theo Điều 12 Luật Chăn nuôi 2018 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi, như sau:

“Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi

1. Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.

2. Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

3. Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

4. Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng.

5. Phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen giống vật nuôi.

6. Xuất khẩu trái phép nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm.

7. Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

8. Nhập khẩu, kinh doanh, chế biến sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân.

9. Nhập khẩu, nuôi, phóng thích, sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen.

10. Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại.

11. Thông đồng, gian dối trong thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định, công bố chất lượng, chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.

12. Xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

13. Gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi nhằm trục lợi.

14. Cản trở, phá hoại, xâm phạm hoạt động chăn nuôi hợp pháp.

Quy định về chăn nuôi trong khu dân cư

Đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi, sẽ bị xử phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, đồng thời bắt buộc phải di dời vật nuôi ra khỏi khu vực cấm, theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Nghị định 14/2021/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

“Điều 24. Vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi nông hộ

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi gian dối trong kê khai nhằm mục đích trục lợi.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc di dời vật nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.”

Quy định của pháp luật về điều kiện chăn nuôi

Quy định của pháp luật về điều kiện chăn nuôi là một phần quan trọng trong việc quản lý và phát triển ngành chăn nuôi tại nước ta. Điều này giúp đảm bảo các hoạt động chăn nuôi diễn ra một cách bền vững, an toàn, có lợi cho cả người chăn nuôi và xã hội. Theo Luật Chăn nuôi năm 2018, có 02 loại hình chăn nuôi, bao gồm chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại.

Chăn nuôi nông hộ

Những yêu cầu sau đây mà chăn nuôi nông hộ cần tuân thủ là:

– Tách biệt giữa chuồng nuôi và nơi ở của người;

– Vệ sinh và khử trùng định kỳ, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;

– Có các biện pháp để phòng dịch và xử lý chất thải; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác; theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

Chăn nuôi trang trại

Chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Theo Khoản 4 và Khoản 5 Điều 53 Luật Chăn nuôi 2018 quy định về việc xây dựng trang trại phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và vùng, cũng như đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi quy định bởi pháp luật.

– Phải có nguồn nước đảm bảo chất lượng để cung cấp cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi;

– Cần thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

– Có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi;

– Phải có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi; thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Hồ sơ này phải được lưu giữ trong thời gian tối thiểu là 01 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi.

– Duy trì khoảng cách an toàn giữa khu vực chăn nuôi trang trại và các đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi, cũng như giữa nguồn gây ô nhiễm và khu vực chăn nuôi trang trại.

Các tổ chức và cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi từ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khoảng cách an toàn trong hoạt động chăn nuôi trang trại cần bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường, và sẽ được quy định cụ thể bởi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vấn đề “Quy định về chăn nuôi trong khu dân cư mới nhất 2023” đã được chúng tôi cung cấp qua thông tin bài viết trên. Quý khách hàng có vướng mắc hoặc nhu cầu tìm hiểu về vấn đề pháp lý liên quan như là mẫu hợp đồng thuê nhà trọ… Chúng tôi sẽ giải quyết các khúc mắc của khách hàng, làm các dịch vụ một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện.

Câu hỏi thường gặp

Khu vực nào không được phép chăn nuôi?

Khu vực nào thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi sẽ do HĐND tỉnh quy định.
Thường sẽ là một số đại điểm như: Khu vực các chợ, cơ quan nhà nước, cơ sở y tế, trường học, khu tưởng niệm, công trình tôn giáo, tín ngưỡng, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điểm tham quan, du lịch, khu vực tập trung đông dân cư, khu tái định cư, các công trình công cộng khác.

Nguyên tắc để xác định quy mô chăn nuôi là gì?

Nguyên tắc xác định quy mô chăn nuôi được quy định như sau:
– Quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm được xác định bằng số lượng đơn vị vật nuôi tại cơ sở chăn nuôi cùng thời điểm;
– Quy mô chăn nuôi các loại vật nuôi khác được xác định bằng số lượng vật nuôi tại cơ sở chăn nuôi cùng thời điểm;
– Trường hợp cơ sở chăn nuôi hỗn hợp gồm gia súc, gia cầm và vật nuôi khác thì quy mô chăn nuôi gồm tổng số đơn vị vật nuôi của gia súc và gia cầm, số lượng từng loại vật nuôi khác.

5/5 - (1 bình chọn)