Mức lương cơ bản của công nhân là vấn đề được nhiều người quan tâm trong xã hội hiện nay. Mức lương cơ sở được sử dụng làm căn cứ để tính toán các khoản trả lương cho công nhân. Mức lương này có ảnh hưởng lớn đến đời sống và quyền lợi của người lao động, cũng như đóng góp vào hệ thống bảo hiểm xã hội và các chính sách xã hội khác. Trong bối cảnh phát triển kinh tế và xã hội, việc hiểu rõ về mức lương cơ bản của công nhân là điều quan trọng để bảo vệ quyền lợi của họ và đảm bảo tính công bằng trong cuộc sống lao động.
Vậy “Mức lương cơ bản của công nhân năm 2023” có nội dung như thế nào? Hãy cùng Tìm Luật tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Lương cơ bản là gì?
Theo quy định hiện hành, pháp luật Việt Nam không quy định định nghĩa hoặc đưa ra một khái niệm cụ thể về “lương cơ bản.”
Lương cơ bản có thể hiểu đơn giản là mức lương tối thiểu hoặc mức lương thấp nhất mà một người lao động có thể nhận được khi làm việc tại một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc đơn vị nào đó. Lương cơ bản không bao gồm các khoản tiền thưởng, phụ cấp, trợ cấp và các khoản thu nhập bổ sung khác. Nó thường là số tiền lương được ghi rõ trong hợp đồng lao động, dựa trên sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Mức lương cơ bản được sử dụng làm cơ sở tính toán cho các khoản đóng bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Lương cơ bản không bao gồm các khoản phụ cấp, tiền thưởng, phúc lợi và các khoản thu nhập bổ sung khác. Do đó, trong nhiều trường hợp, lương cơ bản không phải là số tiền thực sự mà người lao động nhận được.
Mức lương cơ bản của công nhân năm 2023
Lương cơ bản của công nhân là mức lương mà công nhân và người sử dụng lao động đã thỏa thuận để làm căn cứ tính lương thực sự mà công nhân sẽ nhận được.
Mức lương cơ bản không bao gồm các khoản phụ cấp, tiền thưởng, hoặc các khoản phúc lợi khác. Mức lương cơ bản được xác định thông qua thỏa thuận giữa các bên, nhưng không được thiết lập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hiện đang áp dụng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Cụ thể, mức lương cơ bản cho năm 2023 đối với công nhân tối thiểu phải đạt mức lương tối thiểu vùng được quy định như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng(Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ(Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng I | 4.680.000 | 22.500 |
Vùng II | 4.160.000 | 20.000 |
Vùng III | 3.640.000 | 17.500 |
Vùng IV | 3.250.000 | 15.600 |
Trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, phạt thế nào?
Khi người sử dụng lao động trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Mức phạt này phụ thuộc vào số lượng người lao động bị trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng và khoảng từ 20 đến 75 triệu đồng. Ngoài việc bị xử phạt, doanh nghiệp còn phải trả đủ số tiền lương còn thiếu cho người lao động cùng với số tiền lãi cho số tiền trả thiếu. Mức lãi suất được tính dựa trên lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất do các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm doanh nghiệp bị xử phạt.
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 4 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, quy định về áp dụng mức lương tối thiểu như sau:
“Điều 4. Áp dụng mức lương tối thiểu
1. Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng”
Các doanh nghiệp phải trả lương cho người lao động theo số tiền mà cả hai bên đã thỏa thuận, tuy nhiên, mức lương này không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mà Chính phủ quy định. Việc bảo đảm mức lương tối thiểu vùng có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ quyền lợi của người lao động. Nếu một doanh nghiệp cố ý trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, họ sẽ phải đối mặt với xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
“Điều 17. Vi phạm quy định về tiền lương
3. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:
a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.”
Quy định về kỳ hạn trả lương của công nhân
Theo Điều 97 Bộ luật Lao động 2019, quy định về kỳ hạn trả lương như sau:
“Điều 97. Kỳ hạn trả lương
1. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
2. Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.”
Vấn đề “Mức lương cơ bản của công nhân năm 2023” đã được chúng tôi cung cấp qua thông tin bài viết trên. Tìm Luật luôn có sự hỗ trợ nhiệt tình từ các chuyên viên tư vấn pháp lý, quý khách hàng có vướng mắc hoặc nhu cầu tìm kiếm thông tin pháp lý, các mẫu đơn như mẫu hợp đồng thuê nhà viết tay đơn giản.… hoặc các quy định pháp luật, tin tức pháp lý mới liên quan, vui lòng cập nhật website để biết thêm thông tin. Chúng tôi sẽ giải quyết các khúc mắc của khách hàng một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện.
Câu hỏi thường gặp
Lương dùng để đóng bảo hiểm xã hội có phải là lương cơ bản không?
Căn cứ Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.
2. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
3. Trường hợp tiền lương tháng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.
4. Chính phủ quy định chi tiết việc truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này.
Theo quy định trên, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức sẽ là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho cá nhân, doanh nghiệp sẽ là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
Như vậy, lương cơ bản sẽ không bao gồm các khoản phụ cấp, hỗ trợ. Do đó, lương cơ bản không phải là lương dùng để đóng bảo hiểm xã hội.
Lương công nhân 2023 có tăng không?
Gần đây nhất, mức lương tối thiểu vùng cũng như là mức lương cơ bản thấp nhất với công nhân được tăng thêm 6% theo quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP từ ngày 01/7/2022. Và đến thời điểm hiện tại, năm 2023 vẫn chưa có quy định hay thông tin chính thức nào về việc tăng lương tối thiểu vùng cũng như mức lương cơ bản thấp nhất của công nhân.
Tuy nhiên, tại Công văn 470/LĐTBXH-QHLĐTL Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở để tổ chức nắm tình hình triển khai thực hiện mức lương tối thiểu theo quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP để thực đề xuất, kiến nghị về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu áp dụng cho năm 2024 gắn với bối cảnh dự báo.
Như vậy, có thể lương tối thiểu vùng cũng như lương cơ bản thấp nhất với công nhân sẽ được tăng thêm từ năm 2024.