Hướng dẫn cách nộp thuế hộ kinh doanh cá thể online 2023

78
Hướng dẫn cách nộp thuế hộ kinh doanh cá thể online 2023

Bất cứ một doanh nghiệp nào khi kê khai thuế cũng bắt buộc phải thực hiện theo quy định của Luật Quản Lý Thuế hiện hành kể cả hộ kinh doanh cá thể. Ở thời điểm hiện nay, việc thực hiện những nghiệp vụ về thuế dần dịch chuyển sang hình thức online qua cổng thông tin của Tổng cục Thuế, trong đó bao gồm kể cả việc kê khai cho thuế điện tử hộ kinh doanh. Xin mời các bạn độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết của Tìm luật để hiểu và nắm rõ được những quy định về “Nộp thuế hộ kinh doanh cá thể online” có thể giúp các bạn độc giả hiểu sâu hơn về pháp luật.

Căn cứ pháp lý

  • Luật quản lý thuế năm 2019

Có được nộp thuế online?

Theo Luật quản lý thuế năm 2019, Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế. Theo đó, những đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế phải nộp, số tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật quản lý thuế năm 2019, người nộp thuế nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước tại các địa điểm sau:

– Tại kho bạc Nhà nước;

– Tại cơ quan quản lý thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế;

– Thông qua tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế;

– Thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người nộp thuế có thể nộp trực tiếp tại các địa điểm nêu trên hoặc nộp trực tuyến qua mạng. Nộp thuế qua mạng là hình thức cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước trực tuyến trên mạng internet.

Các phương pháp kê khai thuế của hộ kinh doanh cá thể

Căn cứ theo quy định tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC, hộ kinh doanh cá thể có ba phương pháp kê khai thuế, bao gồm: 

Phương pháp khoán: 

Phương pháp khoán được hiểu là cách tính thuế căn cứ theo tỷ lệ trên doanh thu khoán do cơ quan thuế xác định để tính mức thuế khoán của hộ kinh doanh.

Theo phương pháp này, hộ khoán sẽ phải tiến hành kê khai thuế khoán ổn định 1 lần/năm theo đúng tờ khai (mẫu 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC). Trường hợp hộ khoán có sử dụng hóa đơn do Cơ quan thuế cấp theo từng lần phát sinh thì doanh thu và mức thuế khoán sẽ được xác định từ đầu năm và sẽ không bao gồm doanh thu và thuế do sử dụng hóa đơn. 

Phương pháp kê khai: 

Theo căn cứ tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư 40/2021/TT-BTC thì phương pháp kê khai được hiểu là phương pháp thuế, tính thuế dựa trên tỷ lệ doanh thu thực tế phát sinh theo quý hoặc kỳ tháng. 

Phương pháp kê khai thuế theo từng lần phát sinh: 

Khoản 5 Điều 3 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định phương pháp kê khai thuế theo từng lần phát sinh là phương pháp kê khai thuế, tính thuế dựa trên tỷ lệ trên doanh thu thực tế của từng lần phát sinh. 

Các loại thuế hộ kinh doanh cá thể phải nộp tại Việt Nam

Thứ nhất, lệ phí môn bài:

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với:

  • Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
  • Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
  • Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.

Thứ hai, thuế thu nhập cá nhân:

Theo quy định tại Điều 10 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sđ bs 2012 quy định về thu nhập chịu thuế từ kinh doanh như sau:

– Thu nhập chịu thuế từ kinh doanh được xác định bằng doanh thu trừ các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế từ kinh doanh trong kỳ tính thuế.

– Doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Thời điểm xác định doanh thu là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa, hoàn thành dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ.

– Chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế từ kinh doanh trong kỳ tính thuế bao gồm:

  • Tiền lương, tiền công, các khoản thù lao và các chi phí khác trả cho người lao động;
  • Chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng, hàng hóa sử dụng vào sản xuất, kinh doanh, chi phí dịch vụ mua ngoài;
  • Chi phí khấu hao, duy tu, bảo dưỡng tài sản cố định sử dụng vào sản xuất, kinh doanh;
  • Chi trả lãi tiền vay;
  • Chi phí quản lý;
  • Các khoản thuế, phí và lệ phí phải nộp theo quy định của pháp luật được tính vào chi phí;
  • Các khoản chi phí khác liên quan đến việc tạo ra thu nhập.

– Việc xác định doanh thu, chi phí dựa trên cơ sở định mức, tiêu chuẩn, chế độ và chứng từ, sổ kế toán theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp nhiều người cùng tham gia kinh doanh trong một đăng ký kinh doanh thì thu nhập chịu thuế của mỗi người được xác định theo một trong các nguyên tắc sau đây:

  • Tính theo tỷ lệ vốn góp của từng cá nhân ghi trong đăng ký kinh doanh;
  • Tính theo thỏa thuận giữa các cá nhân ghi trong đăng ký kinh doanh;
  • Tính bằng số bình quân thu nhập đầu người trong trường hợp đăng ký kinh doanh không xác định tỷ lệ vốn góp hoặc không có thỏa thuận về phân chia thu nhập giữa các cá nhân.
  • Đối với cá nhân kinh doanh chưa tuân thủ đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ mà không xác định được doanh thu, chi phí và thu nhập chịu thuế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu, tỷ lệ thu nhập chịu thuế để xác định thu nhập chịu thuế phù hợp với từng ngành, nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Thứ ba, thuế giá trị gia tăng:

Theo quy định tại Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định về người nộp thuế như sau:

Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu).

Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định về đối tượng chịu thuế như sau:

Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật Thuế giá trị gia tăng 2008.

Quy định về hóa đơn điện tử cho hộ kinh doanh cá thể

Theo Nghị định 123-2020-NĐ-CP và Thông tư 78-2021-TT-BTC, từ ngày 01/07/2022, các cơ sở kinh doanh nói chung và hộ kinh doanh bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Trường hợp hộ kinh doanh bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử

Theo Điều 6 Thông tư 78-2021-TT-BTC quy định 3 trường hợp hộ kinh doanh bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử bao gồm:

  • Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải sử dụng hóa đơn điện tử.
  • Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp lẻ hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.
  • Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp lẻ hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh”.

Trường hợp hộ kinh doanh chưa bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử

Hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan Thuế trong thời gian tối đa 12 tháng khi:

  • Không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử.
  • Không có hạ tầng công nghệ thông tin.
  • Không có hệ thống phần mềm kế toán.
  • Không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế.

Trong thời gian đó, cơ quan thuế sẽ có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.

Lưu ý: Thời gian 12 tháng được tính như sau:

  • Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang hoạt động từ trước 01/07/2022: 12 tháng tính một lần kể từ 01/07/2022.
  • Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới thành lập từ ngày 01/07/2022: 12 tháng kể từ thời điểm đăng ký bắt đầu sử dụng hóa đơn.

Hướng dẫn cách nộp thuế hộ kinh doanh cá thể online

Hướng dẫn cách nộp thuế hộ kinh doanh cá thể online 2023

Bước 1. Đăng nhập hệ thống khai báo thuế điện tử

Đầu tiên truy cập vào website thuedientu.gdt.gov.vn, chọn “Cá nhân”, rồi tiến hành “đăng nhập”.

Đăng nhập hệ thống khai báo thuế

Bước 2. Hệ thống tự động chuyển bạn về website https://canhan.gdt.gov.vn/

  • Chọn “Đăng nhập”
  • Nhận mã số thuế đã được kích hoạt kê khai thuế điện tử hộ kinh doanh và mã xác nhận
  • Nhập mật khẩu đăng nhập hệ thống kê khai thuế điện tử hộ kinh doanh

Bước 3. Kê khai thuế điện tử hộ kinh doanh

Sau khi đăng nhập thành công, chọn tab “Kê khai thuế”

Bước 4. Nộp tờ khai XML

Lập tờ khai thuế, rồi lưu dưới định dạng file XML. Sau đó tiến hành tải tờ khai thuế XML lên hệ thống. 

  • Chọn loại tờ khai => Mẫu 01/CNKD – Tờ khai thuế đối với cá nhân kinh doanh (TT40/2021)
  • Chọn file dữ liệu XML đã lập
  • Nhập mã xác nhận và gửi tờ khai

Bước 5. Đính kèm phụ lục giảm thuế

Chọn phụ lục PL43 (định dạng file excel). Nếu kê khai thuế điện tử hộ kinh doanh không phát sinh giảm thuế, vẫn phải đính kèm phụ lục nhưng để trống.

Bước 6. Nhập mã OTP và nộp

Sau khi hoàn thành bước trên, Tổng Cục Thuế sẽ gửi mã OTP vào số điện thoại đã đăng ký kê khai thuế điện tử hộ kinh doanh trong vòng tối đa 3 phút. Nếu sau thời gian này, bạn vẫn chưa nhận được mã OTP, hãy bấm “Gửi lại mã OTP”.

Đến đây có thể coi như bạn đã kê khai và nộp thuế điện tử hộ kinh doanh thành công.

Bước 7. Tra cứu kết quả kê khai thuế điện tử hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh có thể kiểm tra tình trạng nộp tờ khai bằng cách, bấm “Tiếp tục”. Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị tất cả thông tin về các phụ lục, tờ khai đã nộp trong kỳ.

Thời điểm xuất hóa đơn điện tử cho hộ kinh doanh cá thể

Các hộ kinh doanh hoạt động theo các phương pháp khai thuế khác nhau sẽ có thời điểm xuất hóa đơn điện tử khác nhau. Cụ thể:

  • Hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai xuất hóa đơn ngay khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
  • Hộ kinh doanh theo phương pháp khoán; Hộ kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh xuất hóa đơn khi hộ kinh doanh có yêu cầu theo từng lần phát sinh.

Mời các bạn xem thêm bài viết

Vấn đề “Nộp thuế hộ kinh doanh cá thể online” đã được chúng tôi cung cấp qua thông tin bài viết trên. Quý khách hàng có vướng mắc hoặc nhu cầu tìm hiểu về vấn đề pháp lý liên quan như là mẫu hợp đồng thuê nhà viết tay đơn giản… Chúng tôi sẽ giải quyết các khúc mắc của khách hàng, làm các dịch vụ một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện. 

Câu hỏi thường gặp

Kinh doanh online có phải đóng thuế?

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc đóng thuế cho các bên kinh doanh online. Như vậy, việc đóng thuế của các shop online sẽ tuân thủ theo luật hiện hành dành cho cá nhân và hộ kinh doanh. Có 3 loại thuế chính mà chủ shop cần phải đóng khi bán online, bao gồm thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, và thuế thu nhập cá nhân (gọi chung là thuế khoán).
Các chủ shop online phải đăng ký thuế để được cấp mã số thuế và cần kê khai thuế 1 lần/ năm, trong trường hợp quy mô kinh doanh không thay đổi. Tuy nhiên, không phải cá nhân nào kinh doanh online cũng phải nộp thuế, mà chỉ khi doanh thu từ 100 triệu/năm trở lên bạn mới phải nộp thuế. Mặc dù các cá nhân có doanh thu từ 100 triệu/năm trở xuống không phải đóng thuế, nhưng cũng cần có trách nhiệm đăng ký thuế và kê khai thuế.

Mã số đăng ký hộ kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được ghi như thế nào?

Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ghi mã số đăng ký hộ kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo cấu trúc sau:
– Mã cấp tỉnh: 02 ký tự bằng số;
– Mã cấp huyện: 01 ký tự bằng chữ cái tiếng Việt;
– Mã loại hình: 01 ký tự, 8 = hộ kinh doanh;
– Số thứ tự hộ kinh doanh: 06 ký tự bằng số, từ 000001 đến 999999.

5/5 - (1 bình chọn)